Sở thích (cho dù thích đến tột đỉnh) cũng không hẳn đó là sở trường đích thực của một ai đó. Nếu Sở thích mà không nuôi dưỡng bằng sự nỗ lực, khổ luyện hằng ngày thì nó cũng sớm bị giã từ nếu chỉ nuôi dưỡng bằng sự đam mê.
Trước hết chúng ta phải hiểu “sở thích” là gì? “đam mê” là gì?
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Sở thích” là những hoạt động thường xuyên hoặc theo thói quen để đem lại cho con người niềm vui, sự phấn khởi trong khoảng thời gian thư giãn. Sở thích cũng chỉ về sự hứng thú, thái độ ham thích đối với một đối tượng nhất định khiến tâm tư của họ được thoải mái, hạnh phúc, hoặc có thể qua đó tạo thành động lực lớn để theo đuổi.
Cũng theo Wikipedia: “Đam mê” (tiếng Anh: passion) là “cảm giác mong muốn, khát khao có được ai đó hay làm được gì đó, bị hấp dẫn bởi một sự vật, sự việc. Cụm từ đam mê, trong quá khứ, thường thấy trong việc miêu tả tình yêu và dục vọng, cùng với “ham muốn”. Tại thời điểm hiện tại, từ đam mê được dùng chủ yếu vào việc diễn tả một sự khao khát trong sự nghiệp.”
CHỌN NGHỀ KHÔNG NÊN CHỈ CĂN CỨ VÀO SỞ THÍCH.
Trong các phần hướng dẫn về hướng nghiệp, các tài liệu về hướng nghiệp cũng như các chuyên gia hướng nghiệp đều đề cập đến sở thích của các bạn. Trong thực tế, mỗi bạn học sinh đều có riêng cho mình một sở thích về một ngành nghề nào đó, những sở thích này hình thành trong quá trình sống và bị tác động với nhiều nguyên nhân khác nhau. Có bạn vì xem các chương trình ca nhạc thấy nhiều ca sĩ nổi tiếng, được nhiều người mến mộ thì lại thích trở thành ca sĩ; có bạn lại thích trở thành bác sĩ thú y vì bạn ấy yêu thích động vật; lại có bạn lại thích làm Luật sư vì xem các bộ phim về luật cực kỳ hấp dẫn. Lại có những bạn lại thích theo dạng phong trào từ sự tác động của bạn bè cùng lớp…
Tuy nhiên, sở thích hay ước mơ nó lại thiếu sự ổn định và hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, sở thích còn bị ảnh hưởng bởi sự trải nghiệm và mức độ hiểu biết về ngành nghề. Khi lựa chọn ngành nghề, đa số các bạn học sinh lại lựa chọn ngành nghề dựa trên sự tưởng tượng, mơ mộng những thăng hoa về nghề nghiệp trong tương lai, những hào quang mà nghề đó mang lại mà không để ý đến những khó khăn, thách thức mà sau này trên con đường hành nghề sẽ gặp phải, điều đó dẫn đến việc nhận định không hết về nghề nghiệp.
VẬY, NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CHỌN NGHỀ, ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP?
Đầu tiên, chính chúng ta phải tìm hiểu kỹ về những gì bản thân mình thích, ngành nghề mà mình yêu thích, nắm bắt rõ những khó khăn và thách thức của nghề nghiệp mà mình phải vượt qua. Bên cạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng năng lực bản thân có thực sự phù hợp để theo đuổi nghề nghiệp đó hay không. Mỗi lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau sẽ yêu cầu những phẩm chất nghề nghiệp khác nhau, việc chúng ta tìm hiểu kỹ về mỗi lĩnh vực ngành nghề sẽ giúp ta có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho việc mình có phù hợp với nghề nghiệp đó hay không. Tìm hiểu những ngành nghề phù hợp với tố chất, khả năng của bạn thân và hình thành những hứng thú đầu tiên với những ngành nghề này. Tìm hiểu càng nhiều nghề khác, bạn sẽ tìm thấy nhiều ngành phù hợp với bản thân hơn.
Tham khảo ý kiến người lớn như cha mẹ, anh chị, và những người đi làm về các ngành nghề sở thích. Những người đi trước đã trải nghiệm và va chạm với thế giới nghề nghiệp, họ đã trải qua những khó khăn, nắm bắt và có kinh nghiệm của bản thân, vì vậy ý kiến của họ rất đáng để tham khảo. Hãy trao đổi và nhờ người lớn phân tích cho bạn nghe, những ý kiến đó là nguồn tham khảo quý báu cho bạn.
Trên cơ sở hiểu biết, sở thích, những lời khuyên, cùng với sự đánh giá năng lực của bạn là cơ sở để bạn đưa ra quyết định cuối cùng.
SỞ THÍCH, ĐAM MÊ LÀ MỘT TRONG NHỮNG YẾU TỐ QUAN TRỌNG CẦN ĐƯỢC LƯU TÂM TRONG VIỆC CHỌN NGHỀ, CHỌN NGÀNH.
Sở thích luôn là một yếu tố chính và quan trọng trong hoạt động chọn ngành chọn nghề, nó thường là nhân tố đầu tiên mà chúng ta cần lưu tâm. Chính vì vậy, sở thích và đam mê là hai điều mà chúng ta phải lưu tâm, chú ý phát triển.
Sở thích trong thuyết con nhím:
Thuyết con nhím (tên tiếng Anh: Hedgehoge Concept) bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp giữa một con nhím với một con cáo. Con cáo tuy ma mãnh, biết rất nhiều thứ, nhưng suy nghĩ của chúng lại hay bị phân tán. Chú nhím thì chậm chạp và không ồn ào như cáo, nhưng lại hiểu rõ nhất về thế mạnh của nó. Kết quả là, hết lần này đến lần khác, cáo bị nhím đánh bại, thân hình chi chít những cái gai. Câu chuyện ngụ ngôn trên nhằm thể hiện một thực tế đó là, hãy tập trung vào một điểm mạnh duy nhất của bản thân, bởi điều đó sẽ giúp chúng ta có lợi thế cạnh tranh, và giành nhiều khả năng chiến thắng hơn. Thuyết con nhím trở nên phổ biến từ năm 2001, khi được Jim Collins phát triển hoàn thiện trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” – 1 trong 20 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị trong vòng 20 năm qua theo bình chọn của Tạp chí Forbes.
Thuyết con nhím dựa trên sự hội tụ của 3 yếu tố chính: (1) Thứ bạn thích – yếu tố đầu tiên giúp bạn định hướng ngành nghề; (2) thứ bạn giỏi – năng lực của bạn; (3) thứ xã hội cần – nhu cầu về thị trường lao động và điểm giao thoa chung của 3 yếu tố này chính là công việc lý tưởng mà bạn có thể lựa chọn.
Giữa rất nhiều phương pháp và hình thức hướng nghiệp đa dạng, thuyết con nhím vẫn có chỗ đứng riêng. Thông qua đánh giá dựa trên Thuyết con nhím, các bạn có thể được nhận thức về cuộc sống cũng như nghề nghiệp. Từ đó, bạn sẽ chọn được công việc đúng sở thích, phù hợp với năng lực và sát với thị trường việc làm thực tế hơn.
Lý thuyết về cây nghề nghiệp:
Mô hình Lý thuyết cây nghề nghiệp thuộc nhóm Lý thuyết đặc tính cá nhân và đặc điểm nghề được lập ra để giải thích vai trò quan trọng của mối tương quan chặt chẽ giữa sở thích, năng lực học tập, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của một người. Tất cả các nhân tố này đều phải được tham gia vào quá trình phát triển của bản thân, không ngừng nỗ lực trau dồi, phát triển và tương tác với các nhân tố khác để cùng phát triển và tạo nên một nghề nghiệp trong tương lại thật vững chắc.
Như vậy, chúng ta thấy rõ một điều là, sở thích là một nhân tố quan trọng trong hoạt động hướng nghiệp, chọn ngành nghề. Tuy nhiên, sở thích cần được bồi dưỡng, phát triển để góp phần tạo nên một sự lựa chọn ngành nghề tối ưu cho mỗi cá nhân và ngoài sở thích cũng cần phải lưu tâm đến các yếu tố khác.
—–CH—–